Nhân sự Bộ Chính trị: Tin vỉa hè, tin chính thống

15h11 phút chiều nay 11.5, TTXVN đã loan tin BCH TƯ đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 
Chánh văn phòng TƯ Trần Quốc Vượng cũng được bầu vào Ban Bí thư.
Việc cả Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh và Trưởng Ban Kinh tế TƯ không được bầu, hoặc bầu nhưng không trúng đã không gây ra bất cứ sự bất ngờ nào. Không phải vì thông tin đó không đáng là một cú sốc, mà bởi, ối người đã biết tỏng.
Bởi chính xác đến từng cen-ti-mét là bản tin của TTXVN chỉ tái khẳng định một sự thật đã được TTXVH cập nhật từ cách đây đúng 1 tuần.
Hồi 21h50 phút đêm 4.5, những nguồn tin vỉa hè đã liên tục cập nhật kết quả bầu bổ sung Bộ Chính trị và Ban bí thư. Thậm chí còn chi tiết đến từng vòng bỏ phiếu, đến số lượng phiếu cho từng ứng viên.
Tin nhân sự “Bê Xê Tê” chứ đâu phải chuyện đùa. Ấy thế mà vỉa hè đã đưa chi tiết, đưa chính xác một cách tuyệt đối.
Nhớ hồi vác máy ghi âm PV thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, ông cứ trăn trở suốt khi “trận địa thông tin” đang thuộc về blog cá nhân, về truyền thông xã hội. Giờ thì lại thêm một bằng chứng nữa về sự thất bại thảm hại của báo chí môn bài. Ngay cả Tuổi trẻ, tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam, dù rất nhanh, lúc 17h4 phút đã đưa tin “Bầu ông Nguyễn Thiện Nhân, bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị”, nhưng hóa ra, đó là một bản tin có nguồn TTXVN.
Trung ương họp, và tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam đưa tin theo TTXVN, về một tin tức mà dư luận đã biết trước đó một tuần, thế thì không mất “trận địa thông tin” mới lạ chứ bác Doãn.
Kín với báo chí. Lộ trên vỉa hè. Hóa ra còn một cái mất nữa, xem ra mới là nguy cơ cáo chung cho báo chí nước nhà: Đó là người đọc sẽ mất dần thói quen tìm kiếm thông tin trên báo chí nhà nước khi đó chỉ là sự lặp lại của vỉa hè những tin tức nhạy cảm vào hàng tối mật.
Đang định gõ vài chữ tâm sự với bác Thanh về trận cầu trên sân Mỹ Đình bác thậm chí còn chưa kịp đá, nhưng càng nghĩ càng chỉ muốn ném máy quăng chuột.
——
“Sự chuyên chế của đa số”
Tin đồn về ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu bổ sung vào bộ Chính trị đã được truyền thông chính thống xác nhận. Như vậy TTXVN đưa tin sau TTX vỉa hè đúng 1 tuần. Từ đây chẳng hiểu TTXVN và truyền thông chính thống có để làm gì? Để xác nhận tin của TTX vỉa hè sau đến một tuần? Lẽ ra TTXVN chỉ cần đưa tin: TTXVN được quyền tuyên bố tin về hội nghị TW7 của TTX vỉa hè đưa tin ngày 4-5-2013 là hoàn toàn chính xác.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã không thể kiếm được cái ghế vào bộ Chính trị, khiến ban Nội chính trở nên một thứ vô quyền, vô lực, chắc chỉ đủ sức hốt mấy bà bán gà, bán cá ở chợ Đồng Xuân. Có thể nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thất bại liên tiếp ở hai hội nghị TW 6 và 7, khi ban chấp hành TW đã quyết khác với đề nghị của Tổng Bí thư và bộ Chính trị. Thật ra, điều này cũng không quá khó hiểu bởi vì đó chính là nhược điểm chết người của cơ chế dân chủ. Đó là hiện tượng “sự chuyên chế của đa số” mà các nhà tư tưởng về chính trị học đã chỉ ra từ lâu. Lenin khi xây dựng đảng Cộng sản đã lợi dụng chính hiện tượng “sự chuyên chế của đa số” làm bàn đạp chống đối thủ và thâu tóm quyền lực, gọi là cơ chế “dân chủ tập trung”. Thực chất, cơ chế dân chủ tập trung chính là yếu tố nghiêm trọng chống và phá dân chủ và tạo thành sự chuyên chế của đa số, thậm chí có thể dẫn tới sự chuyên chế của cá nhân như lịch sử của nhiều Đảng Cộng sản trên thế giới cho thấy. Đáng tiếc, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ được học ở AON về xây dựng Đảng nên chỉ biết dân chủ tập trung, không biết nhược điểm chết người “sự chuyên chế của đa số” mà các nhà chính trị học trên thế giới đã chỉ ra từ rất lâu.
Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thất bại ở hai hội nghị TW liên tiếp cho thấy đang có khủng hoảng chính trị ở Việt Nam, khi Tổng Bí thư trên danh nghĩa là người nắm quyền lực cao nhất, nhưng trên thực tế những đề nghị của ông lại  không được chấp nhận. Khủng hoảng chính trị như vậy cũng vẫn xảy ra ở các nước dân chủ, khi Tổng thống đề xuất nhưng Quốc hội không chấp nhận. Tùy theo mức độ mà thỏa hiệp giữa Tổng thống và Quốc hội có thể dàn xếp. Trong nhiều trường hợp khi bất đồng không thể dàn xếp được thì cơ chế dân chủ cho phép Tổng thống giải tán Quốc hội và bầu một Quốc hội mới. Nhưng giải quyết khủng hoảng như vậy chỉ có thể làm được khi Tổng thống và Quốc hội đều được dân bầu trực tiếp. Tổng Bí thư và bộ Chính trị do TW Đảng bầu ra, nhưng TW Đảng lại không chấp nhận các đề nghị của Tổng Bí thư và bộ Chính trị, cho thấy khủng hoảng chính trị trong cơ chế dân chủ tập trung không thể giải quyết được như trong các chế độ dân chủ. Sự tồn tại của Tổng Bí thư và bộ Chính trị như vậy không còn mấy ý nghĩa. Với khủng hoảng chính trị như vậy Việt Nam không sớm thì muộn sẽ ở trong chế độ độc tài cá nhân, bất kể là hiển minh hay giả tá ở hình thức nào đó, trừ phi có những thay đổi cơ bản về chế độ diễn ra.  

HDTG Blog

Cảm ơn bạn đã ghé thăm.

0 nhận xét:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN